Thêm cơ chế mở Bộ Công Thương mới đề xuất cho điện mặt trời mái nhà
Bộ Công Thương vừa hoàn thiện dự thảo nghị định về điện mặt trời mái nhà tự sản tự tiêu sau chỉ đạo của Thường trực Chính phủ với nhiều điểm mới.
Theo đó, trên cơ sở tiếp thu, bộ đã bổ sung phạm vi điều chỉnh của dự thảo điện mặt trời mái nhà. Trong đó, ngoài các công trình xây dựng như nhà ở, cơ sở công sở, sẽ mở rộng thêm cả các đối tượng mới. Bao gồm khu công nghiệp, cụm công nghiệp, khu chế xuất, khu công nghệ cao, khu kinh tế, cơ sở sản xuất kinh doanh.
Các trường hợp điện mặt trời mái nhà được phát triển không giới hạn
Theo đó, công trình lắp đặt điện mặt trời mái nhà phải đảm bảo tuân thủ quy định pháp luật. Gồm quy định về đầu tư, xây dựng, đất đai, môi trường, an toàn, phòng cháy chữa cháy, an toàn điện. Thiết bị lắp đặt phải phù hợp với tiêu chuẩn, quy chuẩn. Không sử dụng các tấm quang điện, thiết bị điện nhập khẩu đã qua sử dụng.
Dự thảo quy định hai loại hình phát triển. Bao gồm điện mặt trời mái nhà tự sản tự tiêu không đấu nối với hệ thống điện quốc gia. Nguồn điện này khi lắp đặt sẽ không phải đăng ký. Tuy nhiên, khi lắp đặt phải gửi thông báo và hồ sơ thiết kế đến cơ quan quản lý địa phương.
Đối với điện mặt trời mái nhà có đấu nối với hệ thống điện quốc gia khi lắp đặt sẽ phải đăng ký. Bao gồm việc đăng ký về công suất (nhỏ hơn hoặc bằng sản lượng tiêu thụ trong 12 tháng khi đăng ký). Sản lượng điện dư có thể được phát hoặc không phát vào hệ thống điện.
Đáng chú ý, với hệ thống có công suất đặt từ 100kW trở lên, tổ chức, cá nhân phải có trách nhiệm thỏa thuận, thống nhất với bên mua điện dư. Bao gồm các vấn đề như trang thiết bị, phương tiện kết nối với hệ thống thu thập, giám sát, điều khiển...
Cá nhân, tổ chức là hộ gia đình, nhà ở riêng lẻ khi lắp đặt hệ thống này sẽ được miễn, không phải bổ sung giấy phép kinh doanh. Lý do là hệ thống này không bán sản lượng điện dư lên lưới quốc gia, nên không cần bổ sung điều kiện kinh doanh.
Được bán 20% điện dư, công suất từ 1MW phải xin cấp phép
Các tổ chức, cá nhân nói chung khi lắp đặt điện mặt trời mái nhà để tự sử dụng, không đấu nối hệ thống điện quốc gia cũng được ưu tiên phát triển không giới hạn công suất và được miễn trừ giấy phép hoạt động điện lực.
Trường hợp nếu tự sử dụng và có đấu nối hệ thống điện quốc gia, nhưng có lắp đặt thiết bị chống phát ngược sẽ được ưu tiên phát triển không giới hạn công suất. Tuy nhiên, với tổ chức, cá nhân lắp đặt công suất từ 1MW trở lên và bán điện dư vào hệ thống, phải làm các thủ tục đề nghị cấp phép hoạt động điện lực.
Cũng theo dự thảo, với điện mặt trời mái nhà tự sản tự tiêu có công suất dưới 100kW, nếu không dùng hết sẽ được bán lên hệ thống điện quốc gia. Tỉ lệ bán lên lưới điện được quy định là không quá 20% công suất lắp đặt. Tuy nhiên, với hệ thống điện mái nhà là tài sản công sẽ không được bán điện dư.
Về giá mua điện, hiện Bộ Công Thương đang đưa ra hai phương án. Bao gồm giá mua bán điện dư phát lên lưới là mức giá bình quân trong năm trước liền kề của thị trường. Phương án hai là mức giá do hai bên tự thỏa thuận, nhưng phải nhỏ hơn hoặc bằng giá bình quân.
Nếu thực hiện theo quy định này, giá điện năng thị trường bình quân năm 2023 là 1.091,9 đồng/kWh theo Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN). Cùng đó, thời hạn hợp đồng mua bán điện sẽ áp dụng là 5 năm, có thể gia hạn hoặc ký hợp đồng mới sau thời hạn trên.
Dự thảo này cũng đưa ra các hành vi trái quy định như phát triển nguồn điện này vượt quá công suất được cấp phép, phê duyệt. Lợi dụng việc phát triển điện mặt trời mái nhà để bán điện cho tổ chức, cá nhân khác với đối tượng được quy định. Đó là bên mua điện dư là EVN hoặc đơn vị thành viên được EVN ủy quyền.