Vattenfall - một công ty năng lượng tại Đức, đang chứng minh rằng đất nông nghiệp có thể sản xuất cả thực phẩm và năng lượng sạch.
Công ty đang triển khai một dự án Agri-PV lớn nhất châu Âu, tích hợp các tấm pin mặt trời và sản xuất nông nghiệp, thúc đẩy tạo ra năng lượng tái tạo nhưng vẫn bảo tồn đất nông nghiệp để trồng trọt và chăn nuôi.
Vattenfall làm trang trại dự án năng lượng mặt trời diện tích 93ha, tương đương kích thước 130 sân bóng tại làng Tützpatz, khu vực đông bắc nước Đức. Trang trại được lắp đặt 150.000 mô-đun năng lượng mặt trời, tổng công suất khoảng 80 MW, trải rộng trên ba khu vực riêng biệt.
Điểm khác biệt của dự án là nhà máy quang điện nông nghiệp (Agri-PV) tiên tiến. Từ khu đất chỉ dành cho nông nghiệp, nay được tích hợp thêm tấm pin quang điện để vừa canh tác và sản xuất năng lượng.
Claus Wattendrup, Trưởng phòng Năng lượng mặt trời tại Vattenfall, cho biết: “Tại Tützpatz, chúng tôi đang tích hợp nông nghiệp với sản xuất năng lượng tái tạo ở quy mô chưa từng thấy trước đây. Chúng tôi muốn chứng minh rằng, nông nghiệp bền vững và sản xuất năng lượng có thể bổ sung cho nhau một cách hoàn hảo”.
Agri-PV đang được thử nghiệm tại một dự án ở Hà Lan với quy mô nhỏ, công suất 0,7 MWp. Dự án thí điểm nhằm tìm ra giải pháp tối ưu canh tác giữa nông nghiệp và sản xuất điện mặt trời. Vattenfall hợp tác với ERF/HEMUS - một tổ chức nông nghiệp, AERES - trường đại học khoa học ứng dụng nông nghiệp, TNO - một tổ chức nghiên cứu độc lập và RVB - chủ đất lớn nhất của chính phủ Hà Lan.
Các bên sẽ phối hợp nghiên cứu tác động của bóng râm lên các loại cây trồng trong nhiều năm. Bên cạnh đó, theo dõi tình trạng đất, sản lượng điện, vấn đề đa dạng sinh học,... nhằm tìm ra các giải pháp để phát triển Agri-PV trong tương lai.
Dư luận từng chỉ trích điện mặt trời chiếm đất của ngành nông nghiệp. Nhưng với Agri-PV, nông nghiệp và sản xuất năng lượng cùng tồn tại hài hòa, loại bỏ sự cạnh tranh về đất đai. Agri-PV làm tăng hiệu quả sử dụng đất và cho phép mở rộng sản lượng điện tái tạo, đồng thời bảo tồn đất nông nghiệp màu mỡ để canh tác. Không chỉ vậy, người nông dân có thêm thu nhập từ nguồn điện tái tạo.
Chính vì thế, dự án tại Tützpatz được cộng đồng ủng hộ. Thị trưởng Roland Schulz thấy tự hào bởi người dân tại đây đang tham gia vào dự án Agri-PV lớn nhất ở Đức.
Dự án của Tützpatz chia làm 3 khu, phần lớn diện tích để chăn nuôi gia cầm, khoảng 15.000 con gà. Các tấm pin quang điện được lắp ở góc dốc hơn và cao hơn so với thông thường.
Murat Özden, quản lý dự án, cho biết các tấm pin quang điện lắp dốc để gà không bay vào. Gà được nuôi ở khu riêng, có hàng rào để chúng không đi vào những khu vực tấm pin điện lắp phẳng hơn.
Ở khu vực còn lại, đất dành cho canh tác nông nghiệp. Các tấm pin mặt trời được lắp trên một trục, cho phép nghiêng từ đông sang tây, theo đường đi của mặt trời trong suốt cả ngày. Phương pháp tiếp cận tương tự đang được thử nghiệm trong dự án Symbizon của Hà Lan.
Murat Özden giải thích, nếu người nông dân cần nhiều không gian hơn để làm việc trên đất bằng máy móc, họ có thể nghiêng các tấm pin khi cần.
Dự án thí điểm ban đầu trồng lúa mì và khoai tây, cho thấy rằng Agri-PV có thể mang lại năng suất cây trồng cao hơn trong những năm đặc biệt nắng và khô hạn.
Các loại rau địa phương như khoai tây, dưa chuột và măng tây có thể thích hợp để trồng trong hệ thống Agri-PV.
Nguồn: Vietnamnet.vn